Hotline: 0967 81 17 17 | 0613 851 532
 
Time 10.04.2015 09:28 | View 9,814
I. Đặt vấn đề : 
An toàn truyền máu là một quy trình khép kín, từ việc chỉ định truyền máu đúng, sử dụng đúng máu và các chế phẩm phù hợp, theo dõi và xử trí tốt các biểu hiện trong quá trình truyền máu, theo dõi các tai biến có thể xảy ra trong và sau khi truyền máu nhằm hạn chế và phòng ngừa các phản ứng bất lợi có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân cũng như sức khỏe của bệnh nhân về sau.
Hiện nay, tại các cơ sở điều trị, công tác truyền máu thường do điều dưỡng đảm nhận, do đó người điều dưỡng giữ vai trò hết sức quan trọng, cuối cùng của việc thực hiện truyền máu an toàn. Vì vậy, yêu cầu người điều dưỡng cần có đầy đủ kiến thức và kỹ năng về an toàn truyền máu là điều rất cần thiết tại các cơ sở y tế. Vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài "Khảo sát kiến thức , thực hành về an toàn truyền máu của Điều dưỡng tại Bệnh viện ĐKKV Định Quán năm 2014"
II. Mục tiêu nghiên cứu : 
- Đánh giá tỷ lệ trả lời đúng về kiến thức an toàn truyền máu của Điều dưỡng tại Bệnh viện ĐKKV Định Quán năm 2014.
- Đánh giá tỷ lệ thực hành đúng về an toàn truyền máu của Điều dưỡng tại Bệnh viện ĐKKV Định Quán năm 2014.
III. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu : 
1. Đối tượng :
- Toàn bộ Điều dưỡng đang công tác tại các khoa lâm sàng thuộc Bệnh viện ĐKKV Định Quán.
- Tiêu chuẩn loại trừ : Những điều dưỡng không đồng ý tham gia phỏng vấn.
2. Phương pháp nghiên cứu : 
- Mô tả cắt ngang.
- Cỡ mẫu : 100, thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2014.
3. Công cụ nghiên cứu : 
- Bộ câu hỏi được thiết kế sẵn.
4. Xử lý số liệu : 
- Sử dụng phần mềm EPI Info 2002.
IV. Kết quả nghiên cứu : 
1. Dịch tể : 
1.1 Tuổi : n = 100
- 21 - 41 tuổi  90  tỷ lệ 90%
- 42 - 54 tuổi 10 tỷ lệ 10%
Nhận xét : nhóm tuổi từ 21 - 41 chiếm đa số.
1.2 Thâm niên công tác : n = 100
- <= 10 năm 86 Tỷ lệ 86%.
- 11 - 20 năm 06 Tỷ lệ 6%.
- > 20 năm  08 Tỷ lệ 8%   
Nhận xét : Có thâm niên công tác  <= 10 năm chiếm tỷ lệ cao.
1.3 Trình độ chuyên môn : n = 100
- Trung học :  77 Tỷ lệ 77%.
- Cao đẳng :  19 Tỷ lệ 19%.
- Đại học :  04 Tỷ lệ 4%.
Nhận xét : Đa số điều dưỡng có trình độ Trung học.
1.4 Y lệnh truyền máu tại nơi làm việc : Y lệnh truyền máu tại khoa, phòng đang công tác.
- Không có :  44 Tỷ lệ 44%.
- Ít khi :  47 Tỷ lệ 47%.
- Thường xuyên :  09 Tỷ lệ 9%
Nhận xét : Chỉ có 9% điều dưỡng các khoa thường xuyên có nhận y lệnh truyền máu, trong đó 47% thỉnh thoảng nhân y lệnh truyền máu.
1.5 Nguồn kiến thức về an toàn truyền máu : Nguồn tiếp nhận thông tin.
- Trường học :  51 Tỷ lệ 51%.
- Tập huấn, hội thảo :33 Tỷ lệ 33%.
- Tự đọc tài liệu :  16 Tỷ lệ : 16%.
Nhận xét : Phần lớn nguồn thông tin được tiếp nhận từ nhà trường 51% rất ít điều dưỡng nghiên cứu và đọc thêm tài liệu.
2. Kiến thức về an toàn truyền máu : (n = 100)
2.1 Hiểu biết về chỉ định truyền máu : Các chỉ định truyền máu
- Thiếu máu nặng : Có 100 Tỷ lệ 100%.
- Shock mất máu :  Có 100 Tỷ lệ 100%.
- NTNĐ nặng :  Có 23 Tỷ lệ 23%. Không 77 Tỷ lệ 77%
- Các bệnh lý về tim Có 02 Tỷ lệ 2%. Không 98 Tỷ lệ 98%
- CTSN :  Có 21 Tỷ lệ 21% Không 79 Tỷ lệ 79%
Nhận xét : Đa số các đối tượng biết được các chỉ định truyền máu. Tuy nhiên 79% trường hợp còn chưa nắm được chỉ định truyền máu trong CTSN.
2.2 Nhóm máu truyền : Nhóm máu truyền được an toàn. (n= 100)
- Cùng nhóm 100 Tỷ lệ 100%
Nhận xét : 100% trường hợp biết rằng truyền máu cùng nhóm là tốt nhất.
2.3 Hiểu biết về sơ đồ truyền máu : Biết về sơ đồ truyền máu nhóm máu hệ ABO (n = 100)
- Đúng :  99 Tỷ lệ 99%.
- Sai : 01 Tỷ lệ 1%
Nhận xét : Đa số đối tượng biết sơ đồ truyền máu nhóm máu hệ ABO.
2.4 Hiểu biết về tai biến khi truyền máu : Các tai biến có thể xảy ra sau khi truyền máu. (n = 100)
- Tán máu cấp : 86 Tỷ lệ 86%. Không 14 Tỷ lệ 14%
- Phản ứng quá mẫn : 97 Tỷ lệ 97%. Không 03  Tỷ lệ 35%
- Nhiễm khuẩn : 75 Tỷ lệ 75%. Không 25 Tỷ lệ 25%
- OAP 72 Tỷ lệ 72%. Không 28 Tỷ lệ 28%
- Tắc mạch :  93 Tỷ lệ 93% Không 07 Tỷ lệ 7%
Nhận xét : Đa số các điều dưỡng biết được các tai biến có thể xảy ra sau khi truyền máu.
2.5 Hiểu biết về truyền khác nhóm máu : Truyền máu khác nhóm, số đơn vị truyền tối đa (n = 100)
- 01 đơn vị  87 Tỷ lệ 87%.
- 02 đơn vị 07 Tỷ lệ 7%.
- 03 đơn vị 03 Tỷ lệ 3%.
- 04 đơn vị 03 Tỷ lệ 3%.
Nhận xét : Đa số đối tượng chưa nắm rõ số đơn vị máu khác nhóm truyền tối đa.
2.6 Kiến thức về bảo quản máu : Nhiệt độ thích hợp để bảo quản máu : (n = 100)
- 0oC - 4oC 07 Tỷ lệ 7%.
- 2oC - 6oC 71 Tỷ lệ 71%.
- 4oC - 6oC 15 Tỷ lệ 15%.
- 4oC - 8oC 07 Tỷ lệ 7%.
Nhận xét : Chỉ có 71% biết được nhiệt độ thích hợp để bảo quản máu
2.7 Kiến thức về thời gian làm nguội máu trước khi truyền: n = 100
- Không quá 15 phút 11 Tỷ lệ 11%.
- Không quá 30 phút 82 Tỷ lệ 82%.
- Không quá 45 phút 02 Tỷ lệ 2%.
- Không quá 1 giờ  05  Tỷ lệ 5%.
Nhận xét : 82% biết được thời gian tối đa làm nguội máu trước khi truyền. Tuy nhiên, còn 8% chưa hiểu biết thời gian này.
2.8 Hiểu biết về cách làm phản ứng sinh vật : n = 100
- Đúng :  55 Tỷ lệ 55%.
Sài : 45 Tỷ lệ 45%.
Nhận xét : Có 45% đối tượng không nhớ cách làm phản ứng sinh vật.
3. Thực hành về an toàn truyền máu : 
3.1 Thực hiện phản ứng sinh vật : n = 100
- Có : 66 Tỷ lệ 66%.
- Không :  34 Tỷ lệ 34%.
Nhận xét : Chỉ có 66% đối tượng trả lời có thực hiện phản ứng sinh vật trước khi truyền máu.
3.2 Quan điểm về theo dõi bệnh trong khi truyền máu : Nhiệm vụ theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình truyền máu.
- BS điều trị và ĐD :  93 Tỷ lệ 93%.
- Điều dưỡng :  07 Tỷ lệ  7%
Nhận xét : Đa số công tác theo dõi truyền máu là do Bác sỹ và điều dưỡng phối hợp với nhau.
3.3 Kiến thức về theo dõi các vấn đề khi truyền máu : n = 100
- Td dấu sinh tồn 15 phút : Đúng : 98 Tỷ lệ 98% Sai :  02 Tỷ lệ 2%
- Phản ứng tán huyết :  Đúng :  82 Tỷ lệ 82% Sai : 18 Tỷ lệ 18%
- Td tình trạng người bệnh như lạnh run, nổi mề đai :   Đúng :  100  Tỷ lệ 100%  Sai : 00  Tỷ lệ 00%
- Td và điều chỉnh tốc độ máu chảy đúng y lệnh :  Đúng :  94 Tỷ lệ 94% Sai : 06 Tỷ lệ 6%
- Ủ ấm cho bệnh khi truyền máu :  Đúng :  65 Tỷ lệ 65% Sai : 35 Tỷ lệ 35%
- Phù phổi cấp :  Đúng :  79 Tỷ lệ 79% Sai : 21 Tỷ lệ 21%.
Nhận xét : Đa số các đối tượng đều biết được các vấn đề cần phải theo dõi khi truyền máu.
3.4 Kiến thức khi có dấu hiệu bất thường khi truyền máu : n = 100
- Ngưng ngay truyền máu và báo BS điều trị :  Đúng :  100 Tỷ lệ 100%.
Nhận xét : Đa số các điều dưỡng biết được việc làm đầu tiên là ngưng ngay truyền máu và báo BS ngay.
3.5 Kiến thức khi kết thúc truyền máu : Thể tích máu cần giữ lại trong túi máu trước khi kết thúc truyền máu.
- 10 - 15 ml 12 Tỷ lệ 12%.
- 15 - 20 ml 05 Tỷ lệ 5%.
- 05 - 10 ml 83 Tỷ lệ 83%.
Nhận xét : 83% điều dưỡng biết được thể tích máu cần giữ lại trước khi kết thúc truyền máu.
V. Bàn luận :
1. Đặc điểm dịch tể :
Trong nghiên cứu của chúng tôi độ tuổi 21 - 41 chiếm đa số (90%), điều này cho thấy lực lượng nhân viên của bệnh viện là lực lượng trẻ, phù hợp với tình hình đang phát triển của bệnh viện và thời gian công tác dưới 10 năm chiếm đa số (86%) cũng là tất yếu. Trình độ của nhân viên ngày càng được nâng cao, trong những năm qua, bệnh viện chú trọng đào tạo và tuyển dụng nhân viên có trình độ cao, trong đó lực lượng cao đẳng và đại học chiếm 23%.
Về công tác truyền máu, đây là đặc điểm của mỗi nơi làm việc khác nhau, trong đó có 9% nhân viên công tác có thực hiện y lệnh truyền máu thường xuyên, và 44% là không có truyền máu. Truyền máu là một kỹ năng rất cần cho tất cả nhân viên trong bệnh viện, do đó, bệnh viện cần chú trọng đào tạo, cập nhật kiến thức về an toàn truyền máu cho nhóm nhân viên làm việc ở những khoa không có y lệnh truyền máu.
2. Kiến thức về an toàn truyền máu :
Nguồn kiến thức về an toàn truyền máu có được đa số là đượchọc từ nhà trường là 51%, từ các hội thảo và tập huấn là 33%, điều đáng mừng là có 16% nhân viên tự tìm đọc tài liệu, qua đó cho thấy bệnh viện nên tổ chức đào tạo lại cho nhân viên về an toàn truyền máu hàng năm, đồng thời động viên tinh thần tự học nâng cao trình độ, nhằm phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc người bệnh.
Đa số nhân viên tham gia trả lời biết 2 chỉ định cơ bản về truyền máu là thiếu máu nặng 100%, và shock mất máu 100%, đặc biệt có 79% đối tượng trả lời sai về chỉ định truyền máu trong chấn thương sọ não (Một kỹ thuật mới mà bệnh viện đã triển khai và đạt nhiều kết quả khả quan). Điều đáng nói là 79% nhân viên được hỏi chưa cập nhật những thành tựu mới của bệnh viện, điều này có thể do yếu tố chủ quan thuộc về nhân viên là không quan tâm đến công việc chung của bệnh viện, yếu tố khách quan là công việc quá nhiều, không có thời gian để quan tâm tới những vấn đề khác ngoài công việc của mình.
Tất cả nhân viên tham gia phỏng vấn đều trả lời đúng về việc truyền cùng nhóm máu là tốt nhất, tuy nhiên vẫn còn 1% nhân viên vẽ sai sơ đồ truyền máu nằm ở khoa không có y lệnh truyền máu.
Các tai biến là không thể tránh khỏi khi truyền máu và đa số nhân viên đều biết các tai biến này, tan máu cấp 86%, phản ứng quá mẫn 97%, nhiễm khuẩn huyết 75%, phù phôt cấp do quá tải tuần hoàn 72%, tắc mạch 93%. Điều đáng lưu ý là có 7% nhân viên được hỏi không biết tắc mạch là một tai biến thường xảy ra do kỹ thuật tiêm truyền của người điều dưỡng. Biết về những tai biến này thì người nhân viên y tế sẽ chủ động có những biện pháp theo dõi và phòng ngừa tốt hơn.
3. Thực hành về an toàn truyền máu :
Trong quá trình truyền máu, nhiệm vụ theo dõi người bệnh là của Bác sỹ và Điều dưỡng, tuy vậy vẫn có 7% nhân viên được hỏi cho rằng đó là nhiệm vụ của riêng người Điều dưỡng, điều này có lẽ bệnh viện còn thiếu Bác sỹ nên trong quá trình truyền máu, Bác sỹ chỉ làm khâu ban đầu còn lại giao cho Điều dưỡng theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình truyền máu, và cũng có lẽ do người Điều dưỡng ngày càng chủ động hơn với công việc của mình trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Con số 100% nhân viên được hỏi trả lời phải ngừng ngay truyền máu và báo ngay Bác sỹ đã nói lên điều đó.
Hiện nay việc khan hiếm máu không còn là vấn đề khó khăn, vấn đề truyền khác nhóm máu là rất hạn chế, theo quy chế truyền máu thì chúng ta vẫn được phép truyền tối đa là 2 đơn vị máu khác nhóm. Tuy nhiên chỉ có 7% nhân viên được hỏi trả lời chính xác về số đơn vị được phép truyền khác nhóm là 2 đơn vị, có lẽ nhân viên nhận thấy truyền khác nhóm không an toàn nên có 87% nhân viên trả lời là chỉ truyền tối đa khác nhóm máu là 01 đơn vị. Song song với việc truyền máu là vấn đề bảo quản máu trước khi truyền cũng rất quan trọng, đây là một nhiệm vụ của nhân viên khoa xét nghiệm, tuy nhiên các nhân viên khác cũng cần phải nắm vững, có 71% nhân viên đã trả lời đúng về nhiệt độ bảo quản máu.
Trong thực hành truyền máu, thực hiện phản ứng sinh vật khi truyền máu là một yêu cầu bắt buộc phải làm nhưng chỉ có 66% nhân viên trả lời có làm, 34% không làm. Đây là một kỹ thuật bắt buộc phải thực hiện khi truyền máu nhằm phát hiện các biến chứng sớm có thể xảy ra, nhưng nhân viên thường hay bỏ qua. Việc làm nguội máu trước khi truyền cũng rất quan trọng và chỉ có 88% nhân viên trả lời đúng thời gian làm nguội máu trước khi truyền, 18% nhân viên không nhớ.
Hơn 50% nhân viên biết được các vấn đề cần phải theo dõi khi truyền máu : Phản ứng quá mẫn, phản ứng tán huyết, phù phổi cấp, dấu hiệu sinh tồn. Việc biết được các tai biến có thể xảy ra trong quá trình truyền máu giúp Điều dưỡng theo dõi và phát hiện sớm các tai biến do truyền máu. 83% nhân viên biết thể tích máu cần giữ lại trong túi máu trước khi kết thúc truyền máu. Đây là điều cần thiết để khi xảy ra tai biến cần phải có nhóm máu đối chứng.
VI. Kết luận :
Qua khảo sát 100 nhân viên về kiến thức, thực hành an toàn truyền máu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán năm 2014, chúng tôi nhận thấy :
- Nguồn kiến thức mà nhân viên có được là từ nhà trường.
- 80% nhân viên biết các chỉ định truyền máu.
- 97% nhân viên biết các tai biến khi truyền máu.
- 55% Điều dưỡng nêu được cách làm phản ứng sinh vật trước khi truyền máu, 66% có làm phản ứng này khi truyền máu.
- Trên 60% Điều dưỡng biết được các vấn đề cần theo dõi người bệnh trong quá trình truyền máu và 100% điều dưỡng biết ngừng truyền máu ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
VII. Kiến nghị :
Điều dưỡng cần dành thời gian nhiều hơn để cập nhật, nghiên cứu các nguồn thông tin về chuyên môn nói chung cũng như các vấn đề về an toàn truyền máu nói riêng từ tài liệu, Internet... để bổ sung kiến thức.
Định kỳ hàng năm,phòng điều dưỡng và khoa xét nghiệm nên tổ chức tập huấn về công tác an toàn truyền máu cho Điều dưỡng, đặc biệt là các điều dưỡng mới. Điều dưỡng cần phải làm và thực hiện đúng phản ứng sinh vật khi truyền máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh viện Chợ Rẩy (2009) Hội thảo an toàn người bệnh trong công tác chăm sóc, chương trình đào tạo trong nước JICA - BVCR
- Bộ Y Tế 2005, tài liệu tập huấn cung cấp máu an toàn.
- Đỗ Trung Phấn 2000, an toàn truyền máu, nhà xuất bản Khoa hoặc và kỹ thuật.
- Ths Trần Thị Thuận - Điều dưỡng cơ bản II 2007
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Liên kết

Thống kê truy cập

Trực tuyến 16
Hôm nay 199
Hôm qua 303
Cao nhất (29.03.2024) 6648
Tổng cộng 1,268,657