Hotline: 0967 81 17 17 | 0613 851 532
 
Time 23.11.2015 02:04 | View 15,910

 

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ THÀNH LẬP BỆNH VIỆN ĐKKV ĐỊNH QUÁN

I. Quá trình hình thành Bệnh viện Tân Phú từ Chiến khu D Vĩnh An đến năm 1975 và những năm đầu sau Ngày đất nước thống nhất

Vào giữa năm 1973, tỉnh Tân Phú được thành lập (bao gồm cả Tân Phú, Định Quán và một phần của Long Khánh trước đây), đến đầu năm 1974 Trung ương Cục Miền nam thành lập một tổ chức Y tế, đó là cơ quan y tế đầu tiên của tỉnh Tân Phú ra đời. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng (nay đã nghỉ hưu) được Ban Quân Dân Y Miền đông điều động từ Bệnh viện Miền Đông Nam Bộ về phụ trách quản lý và điều hành tổ chức này. Lúc này ban Quân Dân Y Tỉnh chỉ có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 2 y sĩ, và 3 y tá, tổ chức này là tiền thân của TTYT Tân Phú và chính là Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Phú sau này. Vào lúc này Ban Y tế Tỉnh Tân Phú đặt ở Chiến khu D (Rừng Vĩnh An -Sông Bé cũ).

Đến cuối năm 1974 Ban Y tế tỉnh Tân Phú được điều chuyển từ chiến khu Sông Bé về đất Long Khánh- Định Quán chuẩn bị cho Chiến dịch HỒ CHÍ MINH .

Qua đến đất Định Quán Ban Dân y tỉnh kết hợp với Dân y Định Quán có thêm được 2 y sĩ và một dược tá nữa. Như vậy đến cuối năm 1974, vùng đất Định Quán, đã thành lập một Ban Dân Y gọi là Ban Dân Y Tân Phú, gồm 10 nhân viên.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch HỒ CHÍ MINH năm 1975, ban Dân y Tân Phú đã cấp tốc mở lớp cứu thương viên thời gian học 3 tháng, sau 3 tháng đào tạo thêm được 7 anh chị em cứu thương viên nữa.

Đến chiến dịch HỒ CHÍ MINH vào tháng 3 năm 1975, Quân và Dân tỉnh Tân Phú phải giải phóng 2 cứ điểm lớn  là Phương Lâm và Định Quán gọi là Chi khu Định Quán và Chi khu Phương Lâm, và kế đó là Chi khu Túc Trưng( Phú túc).

Lúc này Ban Dân y tỉnh chỉ có 17 người mà phải thành lập 1 bệnh xá, và 2 đội phẫu thuật. Trong giai đoạn chiến dịch giải phóng Phương Lâm, Định Quán và Túc Trưng, thương binh ta và nhân dân bị thương dọc quốc lộ 20 quá nhiều, một phần do pháo của địch ở Chi khu Long Khánh bắn qua đồng thời do máy bay địch oanh tạc suốt gần 2 tháng trời, vì vậy Bệnh xá tuy ít nhân viên nhưng bệnh nhân rất đông công việc rất vất vả, cho đến ngày 17/03/1975 thì Quân và Dân ta đã giải phóng hoàn toàn Định Quán, và Phương Lâm, Túc Trưng.

Thời gian này ban Quân Dân Y tỉnh Tân Phú cũng được sự chi viện của ban Quân Dân Y miền Nam (T1) thêm 1 bác sĩ, 10 y tá vừa học vừa làm. Sau ngày giải phóng Bệnh xá của Tỉnh được chọn trụ sở đặt tại nhà hộ sinh tư Định Quán (địa điểm của Trạm y tế thị trấn Định Quán ngày nay). Như vậy lúc này bệnh xá của Tỉnh có được 28 nhân viên ( trong đó 02 bác sĩ, 01 dược sĩ, 04 y sĩ, 01 dược tá và 20 y tá)

Thời gian này nhân dân bị thương, bị bệnh rất đông mà cơ sở y tế của ta: con người và kỹ thuật, và phương tiện thuốc men quá thiếu thốn nên công việc rất vất vả, căng thẳng nhất là còn làm việc dưới tầm pháo kích của địch.

Sau ngày 30/4/1975 toàn Miền Nam hoàn toàn giải phóng, với không khí hân hoan vui mừng nhưng sư nghiệp của y tế còn lắm vất vả, gian nan; tỉnh Tân Phú lúc đó trãi dài từ xã Phú Cường đến cây số 140 (Phú Bình - Tân Phú ngày nay), diện tích rất rộng, thêm nữa 2 bên đường Quốc lộ 20 hầu hết là rừng núi, hoang vu, đi lại rất khó khăn

Dân số lúc đó chỉ trên 60.000 dân, gồm 10 xã, Ban Y tế của ta lúc này cũng lập thành 10 trạm y tế xã, mỗi trạm chỉ có 1-2 y tá hoặc nữ hộ sinh phụ trách.

Đến giữa năm 1976 tỉnh Tân Phú được quyết định của trên thành đổi thành huyện Tân Phú, thuộc tỉnh Đồng Nai. Lúc này từ ban Quân Dân Y tỉnh Tân Phú  trở  thành Phòng Y Tế huyện Tân Phú.

Phòng Y Tế Tân Phú quản lý 1 bệnh viện 50 giường, 10 TYT xã và Đội Vệ sinh phòng dịch, nhưng lực lượng y tế chỉ có 3 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 1 dược tá, 1 y tá, 5 y sĩ, 10 y tá (đào tạo 3 tháng) và 7 cứu thương viên (đào tạo 1 tháng ).

Thời gian khói lửa chiến tranh tạm lắng, những mất mát của chiến tranh không còn nữa nhưng bệnh tật sau chiến tranh vẫn còn quá ác nghiệt, nào tiêu chảy, kiết lỵ, sốt thương hàn, các bệnh dịch hạch, dịch tả và đứng đầu ở đây là sốt rét nhiều thể loại, và nguy hiểm gây tử vong nhiều nhất là sốt rét ác tính (SRAT); ngoài ra còn có những bệnh lý sau chiến tranh do bom mìn cũng là những mối nguy hiểm lớn cho người dân

Sau năm 1975 cho đến 1980, thuốc điều trị còn nhiều, do có nguồn cung cấp từ các kho thuốc của chính quyền Miền Nam để lại rất nhiều, chỉ đến sau năm 1980 tình hình thuốc khan hiếm dần vì chúng ta chưa sản xuất được; sau năm 1983 nhiều cơ sở y tế của ta sử dụng long não nước, và xuyên tâm liên để điều trị khá nhiều bệnh

Vào lúc đó cơ sở quá nghèo nàn, cấp trên chỉ đạo tạm lấy khu Gia binh Định Quán (khu nhà bên Trái Đá Ba chồng, đối diện Huyện đội Định Quán ngày nay) làm bệnh viện Tân Phú. Đó chính là cơ sở bệnh viện đầu tiên của Tân Phú do Bs Phạm Ngọc Sơn làm giám đốc. Bệnh viện thuốc men còn quá thiếu, ngày nào cũng 3-4 bệnh nhân hôn mê do SRAT nhưng Quinine và dịch truyền quá ít ỏi, tính toán chỉ ra từng ống, từng chai, không đủ để điều trị cho bệnh nhân. Thuốc quá thiếu thốn, khan hiếm, mà lại nhiều bệnh nặng nên tỷ lệ tử vong rất cao. Giai đoạn này  Bệnh viện chỉ với 28 nhân viên, gồm hai khoa Nội-Nhi và Sản-Ngoại rất vất vả trong công tác khám và điều trị cho bệnh nhân, nhân viên làm việc liên tục không có chuyện nhân viên được ra trực vì thiếu người làm.

Bs Phạm Ngọc Sơn là Giám đốc Bệnh viện thời bấy giờ

 

II. Bệnh viện Tân Phú những năm sau 1976-1986

Vào đầu năm 1978, có BS Lê Văn Tin từ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh về công tác, cuối năm có thêm những BS mới ra trường từ Đại học Y Khoa Huế gồm BS Phan Tấn Quới và BS Nguyễn Thị Phùng Hoa tình nguyện vào công tác tại bệnh viện, thêm nữa tăng thêm số lượng BS bổ sung cho khoa Nội Nhi(Bs Tin, Bs Phùng Hoa) và Sản- Ngoại(Bs Quới, YS Kim Nên).Đây là lực lượng BS nòng cốt cho hoạt động Bệnh viện trong những năm đầu thống nhất đất nước.

Đến cuối năm 1980 và đầu năm 1981, do cơ sở đã quá tải bệnh nhân, Huyện đã cho dựng lên khu nhà ngói vách ván để làm bệnh viện (trước đây là khu nhà gỗ, nay đã phá bỏ xây dựng khu dân cư phía bên hông phải bệnh viện). Lúc này bệnh viện đã có tổ chức hoạt động gồm 3 khoa: khoa Nội, do BS Lê Văn Tin làm trưởng khoa; khoa Nhi do BS Nguyễn Thị Phùng Hoa làm Trưởng khoa, và Khoa Ngoại Sản BS Phan Tấn Quới làm trưởng khoa. Rồi các Y sĩ, Y tá từ trường Trung học y tế Đồng Nai  và trường Sơ cấp Y tế Xuân Lộc lần lượt bổ sung về làm việc từ khoá 1 cho đến khóa 6, hiện tại còn lại trong số YS Khóa 1 là YS Nguyễn Văn Trong phó khoa Nội Nhi, Một số YS khóa 1, 2  và 3 đã đi học Chuyên tu ra BS, BS CK I và đang làm tại Bệnh viện (Bs Nguyễn Ngọc Hương, BS Phạm Văn Long, Bs Võ Văn Hiền, BS Lê Phượng..) Lúc này nhân lực bệnh viện cũng lên đến 100 người

Vào lúc này do nhu cầu đào tạo cán bộ cao, nên Phòng Y tế Tân Phú đã kết hợp với Trường Sơ cấp Y tế  Xuân Lộc đào tạo được 3 khoá Y tá sơ cấp, khóa cuối cùng ra trường năm 1986, số  Y tá sơ cấp này đa phần sau đào tạo ở lại làm việc tại Bệnh viện (YT Thái, YT Mép, Giang, Mỹ Dung, Lâm…), một số được đưa về làm tại Trạm y tế xã. Như vậy đầu năm 1981 cơ sở bệnh viện đã dời về khu nhà gỗ (khu nhà tập thể) là khoa Nội và khoa Nhi, và 1 block nhà xây một trệt, một lầu (khu hành chính hiện nay đã cải tạo) làm thành khoa ngoại–sản, Phòng Y tế làm việc trên tầng lầu. Lúc này BS Nguyễn Hữu Hoàng, là trưởng phòng Y tế Tân Phú kiêm Giám đốc bệnh viện, Phó phòng Y tế là BS Nguyễn Duy Điềm (hiện đã về hưu, nguyên là Giám đốc BVĐK Huyện Tân Phú mới); YS Nguyễn Xuân Bình( đã nghỉ hưu) là Phó giám đốc Bệnh viện. Hiệu thuốc của Huyện lúc này là Chị YS Lâm Thị Cúc đảm nhiệm (nay đã nghỉ hưu)

Năm 1983 có Bs Nguyễn Quang Trường về thêm, đến năm 1984 được Chủ tịch Huyện biệt phái sang bệnh viện phụ trách công tác xây dựng Bệnh viện mới. Nguồn kinh phí từ ngân sách của Huyện do Ông Phan Doãn Thu là Chủ tịch UBND Huyện Tân Phú đương nhiệm; ông thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng và khánh thành bệnh viện Đa khoa Tân Phú nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước(1985), Bệnh viện có 120 giường bệnh, có đầy đủ 6 dãy nhà cấp 4 cho các khoa Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Xquang, Phòng mỗ, 01 dãy nhà cho khoa phụ sản và block nhà 01 trệt một lầu làm khu khám bệnh đa khoa và khu hành chính.

Đến giữa năm 1986, từ Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, có BS Lê Tuấn An chuyên khoa Vệ sinh dịch tễ về công tác được phân về khoa nhiễm; BS Nguyễn Văn Danh từ Đại học Y khoa Huế, chuyên khoa Nhi về công tác tại Khoa Nhi, lúc này BS Nguyễn Thị Phùng Hoa, là trưởng khoa, YS Trần Đình Lễ từ đội Vệ sinh phòng dịch được chuyển về làm Phó khoa Ngoại và một số YS nữa.Thời gian này có BS Trần Thanh Tùng, BS chuyên khoa Răng Hàm Mặt (RHM) từ Đại học Nha khoa TP Hồ Chí Minh cũng là những BS đầu tiên cho Khoa Khám bệnh, bộ phận RHM

Khoa Nội BS Lê văn Tin làm trưởng khoa, YS Nguyễn Văn Trong làm Phó khoa. Lần lượt có Bs Trần Thanh Sơn, ra trường từ Đại Học Y khoa Cần Thơ tự nguyện về với quê hương, góp phần cùng với tập thể BS đóng góp xây dựng Bệnh viện cũng đã bổ sung lực lượng cho khoa nội.

Trong giai đoạn này BS Nguyễn Hữu Hoàng vẫn là Trưởng phòng Y tế, kiêm Giám đốc bệnh viện do Bs Phạm Ngọc Sơn bị tạm nghỉ một thời gian

III. Bệnh viện Tân Phú giai đoạn 1986-1991

Vào giai đoạn này, Phòng Y tế quản lý các Trạm y tế xã và một Đội vệ sinh phòng dịch (VSPD). Đội VSPD dần dần được tăng cường thêm trang thiết bị máy móc như tủ lạnh máy phun hoá chất và thuốc men, vac xin phòng chống dịch, và đội ngũ Y, Bs cũng được tăng cường ở 2 bộ phận Bệnh viện và Đội vệ sinh phòng dịch, trong số này có YS Nguyễn Ngọc Hương là nhân viên Đội vệ sinh phòng dịch.

Đến năm 1986, hầu như các khoa lâm sàng đã được tách riêng, gồm có Khoa Nội, Nhi, Ngoại-Mỗ, Sản, khoa Trung tâm Cấp cứu (TTCC), Phòng khám Đa khoa (PKĐK), các chuyên khoa lẻ đều năm trong PKĐK; chỉ có 3 phòng tham mưu: Phòng Y vụ, Phòng Hậu cần, Phòng Tài vụ

Rồi như một vùng đất lành, lần lượt các Bs Nguyễn Văn Duyệt, BS Hà Hữu Gia từ Thừa Thiên –Huế cũng tự nguyện vào công tác tại Bệnh viện, ngoài ra lúc này có thêm các BS Trần Thanh Tùng, Bs Trần Thanh Lương (RHM), BS Trần Thanh Sơn, BS Lê Thị Cát (CK Mắt) về làm ở khu Phòng khám đa khoa; sau đó có thêm BS Đinh Văn Hạnh, BS Nguyễn Văn Hào làm ở Huế về tham gia công tác ở khoa Phụ Sản, và khoa Ngoại; vào những năm 1988 chính Bs Gia và Bs Hào, Bs Duyệt là những người đặt nền móng đầu tiên cho phẫu thuật ngoại khoa (mỗ ruột thừa, khâu lổ thủng dạ dày…) của Bệnh viện trong giai đoạn đầu và liên tục phát triển đến hôm nay

Đến năm 1988, Bs Phạm Ngọc Sơn được tái bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện, sau đó bổ nhiệm BS Lê văn Tin làm phó giám đốc; các khoa, phòng hầu hết đã có BS tuy với số lượng ít nhưng phần nào đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực.Với những cố gắng như trên từ năm 1986 đến 1990 ta đã hạn chế được bệnh sốt rét phát triển và hạ thấp tỷ lệ sốt rét ác tính và từ năm 1991 trở lại đây hầu như không có ca tử vong nào do SRAT. Vào năm 1991, có sự hỗ trợ liên kết với Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bệnh viện có tham gia chương trình nghiên cứu với Tổ chức Welcome Trust của Đại học Oxforf (Anh) về điều trị Sốt rét nặng và ác tính; từ đó về chuyên môn Bệnh viện đã được nâng lên một bước, tăng thu hút, tạo nhiều sự tin tưởng của nhân dân trong khu vực

Công tác điều trị nhi vào giai đoạn này có những tiến bộ vượt bậc, tập thể BS, YS, ĐD khoa nhi, khoa TTCC đã điều trị thành công nhiều trường hợp Shock Sốt xuất huyết nặng năm 1988, với số lượng bệnh nhân hằng ngày đến 200 bệnh nhân. Bệnh nhân viêm phổi cũng được quản lý, chẩn đoán và điều trị tốt giảm tỉ lệ tử vong rất nhiều. Chính những điều này đã tạo niềm tin cho nhân dân trong khu vực.

Đặc biệt trong giai đoạn này có sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm Nhi khoa TP Hồ Chí Minh, đứng đầu là BS Dương Quỳnh Hoa (đã mất), xây dựng sửa chữa khoa phụ sản, lập phòng dưỡng nhi riêng biệt, và bố trí BS, ĐD của Trung Tâm nhi khoa về làm việc tại khu dưỡng nhi. Điều này đã giúp cho bộ phận sản nhi phát triển, uy tín của Bệnh viện được tăng cao

Ngoài ra công tác phẫu thuật sản mỗ lấy thai cũng được bắt đầu thực hiện từ năm 1988, lúc này kíp phẫu thuật gồm Bs Phan Tấn Quới, YS Ngọc Yến và YS Tiêu Hạnh, Hs Thu Dung, từ đó công tác phẫu thuật sản ngày càng phát triển nhanh chóng, cứu sống được nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh

 Từ những năm 1976-1991, bệnh viện trực thuộc Huyện Tân Phú về mọi mặt, chịu sự quản lý trực tiếp của UBND huyện và Huyện ủy, đến năm 1991 Bs Phạm Ngọc Sơn được nghỉ hưu; Tháng 6/1991 Bs Phan Tấn Quới được Giám đốc Sở Y tế( lúc đó là BS Dương Văn Hải- đã mất) bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện, đến tháng 12/1991 Sở Y tế bổ nhiệm BS Nguyễn Văn Danh, nguyên là trưởng khoa Nhi làm Phó giám đốc bệnh viện

Bs Phan Tấn Quới  Gíam đốc BV - Bs Nguyễn Văn Danh PGĐ BV( hình giữa)

Như vậy giai đoạn này hệ thống y tế địa phương chia thành 3 bộ phận: BV Đa khoa Tân Phú, TTYT Định Quán và Hiệu thuốc Tân Phú để quản lý về mặt sức khoẻ. Năm 1991 Huyện Tân Phú được tách thành 2 huyện; Định Quán (hiện tại) và Huyện mới là Tân Phú (địa giới từ Km 123 trở lên giáp với Lâm đồng), khi đó Huyện Tân Phú thành lập 1 Trung tâm Y tế (TTYT) có 50 giường bệnh, vừa điều trị vừa làm công tác dự phòng và sinh đẻ kế hoạch (SĐKH), còn TTYT Định Quán chỉ làm nhiệm vụ dự phòng và công tác SĐKH. Lúc này Giám đốc TTYT Định Quán là BS Nguyễn Quang Trường (BS Hoàng đã nghỉ hưu)

IV. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Phú (1991-2008)

Qua đến năm 1991 bệnh viện huyện Tân Phú được giao về Sở Y Tế quản lý, đến năm 1998 quy mô càng lớn dần nên UBND Tỉnh đổi tên thành bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Phú, phụ trách công tác khám chữa bệnh cho nhân dân 2 huyện Tân Phú và Định Quán, chỉ tiêu GB là 150 với khoảng 140 nhân viên theo Quyết định 2480/1998/QĐ-CTUBT ngày 10/07/1998 do ông Nguyễn Trùng Phương, phó chủ tịch UBND Tỉnh ký. Lúc này bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Phú là bệnh viện đa khoa hạng III, trực thuộc Sở Y tế, tỉnh Đồng Nai từ ngày 15/07/1998. Như vậy từ năm 1978 đến 1998, sau 20 năm bệnh viện từ 28 nhân viên đã phát triền lên 178 nhân viên, chỉ tiêu GB nâng lên 180, có đầy đủ các khoa phòng

Hoạt động chuyên môn đã được nâng cao một bước, một số bệnh lý về chấn thương chỉnh hình, đóng đinh nội tủy cũng được Bs ngoại khoa thực hiện tốt; ngoài ra Bệnh viện còn có sự hỗ trợ của Tổ chức Sign cung cấp một số đinh Sign giúp cho hoạt động chuyên môn về chấn thương chỉnh hình càng phát triển, công tác phẫu thuật gan mật cũng tiến bộ vượt bậc

Một số phẫu thuật Sản phụ khoa cũng đã thực hiện tốt làm tăng bệnh nhân sản và khoa sản đã phát triển một bước dài.

Lĩnh vực điều trị nội nhi lúc này cũng đã có nhiều BS, việc điều trị đã đi vào nề nếp, các chế độ chuyên môn được duy trì đều đặn, tập thể BS khoa TTCC đã nhiều lần cứu sống bệnh nhân nguy kịch, tỉ lệ tử vong giảm đáng kể, nhất là vào mùa dịch Sốt xuất huyết

Giường bệnh năm 1998: 180 giường,  đến năm 2007: 200 giường, có 183 nhân viên

V. Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (2008 đến nay)
Đến năm 2008, Bs Phan Tấn Quới được nghỉ hưu sớm, Sở Y tế điều BS CKII Nguyễn Văn Bình về làm Giám đốc bệnh viện.



 Bs CKII Nguyễn Văn Bình  Giám đốc bệnh viện (hình giữa)

 Tháng 7/2008 UBND Tỉnh Đồng Nai lại quyết định đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (QĐ số 2295/QĐ-UBND ngày 18/07/2008), Bệnh viện tuyến Tỉnh trực thuộc Sở Y tế,  Đồng Nai, Thời điểm này có sự đầu tư của Nhà nước, bệnh viện được khởi công nâng cấp thành cơ sở khang trang, có 2 block nhà một trệt 2 lầu và một khu nhà trung tâm, một trệt 2 lầu. Một khu khám đa khoa riêng và một khu hành chính được cải tạo, chỉnh sữa khang trang sạch sẽ. Bệnh viện đã được trang bị tương đối đầy đủ máy móc như: Máy X Quang cố định, X Quang di động, máy siêu âm màu, máy CT Scanner, hệ thống phẫu thuật nội soi, hệ thống phẫu thuật sọ não, hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu đầy đủ phục vụ tốt cho các khoa lâm sàng

Bệnh viện liên tục phát triển về mọi mặt, cả cơ sở vật chất lẫn chất lượng điều trị; từ lúc 2008 chỉ 220 giường bệnh, 183 nhân viên, đến năm 2010, kế hoạch giường bệnh lên 320, nhân lực 243 người, và 2 phòng khám đa khoa khu vực Thanh Sơn và Phú Túc,

Với sự lớn mạnh và phát triển liên tục, Bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, chất lượng đội ngũ ngày càng nâng cao,  ngày 01/01/012, Bệnh viện được xếp Hạng II, GB kế hoạch 400, nhân lực 267 người, trong đó có 18 khoa, phòng, 37 bác sĩ. Lúc này đã triển khai phẫu thuật nội soi tổng quát, bắt đầu có sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bệnh viện ĐKKV Định Quán đã phẫu thuật sọ não lấy máu tụ ngoài màng cứng.

Đến năm 2014, giường bệnh lên đến 460, bệnh viện đã có 20 khoa, phòng, 336 nhân viên, trong đó có 50 bác sĩ, có 2 BS CKII, 02 Thạc sĩ, 9 BS CKI. Hoạt động chuyên môn đã phát triển một bước dài về các lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức tích cực. Công tác chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cũng đã đáp ứng được những yêu cầu của lâm sàng. Bệnh nhân trong khu vực đã đến Bệnh viện ĐKKV Định Quán ngày càng nhiều, uy tín bệnh viện ngày một nâng cao.

Ngày 01/09/2014, Sở Y tế điều động BS.CKII Nguyễn Văn Bình về công tác tại BVĐK TP Biên Hòa, và quyết định số 715/QĐ-SYT bổ nhiệm BS.CKII Nguyễn Văn Danh làm Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Định Quán, và Bí thư Đảng Bộ bệnh viện ĐKKV Định Quán.

Bs. CKII Nguyễn Văn Danh Giám đốc Bệnh viện (trái) và BS.CKI Nguyễn Song Cửu Long tại lễ bổ nhiệm ngày 01/9/2014.

 Đảng bộ cơ sở bệnh viện được phát triển từ Chi bộ cơ sở Bệnh viện với 3 chi bộ trực thuộc, có 43 đảng viên. Đảng bộ đã nhiều năm liền được công nhận Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, năm 2014 cũng được Trong sạch vững mạnh; Bệnh viện được Chủ tịch UBND Tinh khen “Tập thể xuất sắc toàn diện”

Năm 2015, bệnh viện được giao 490 giường bệnh, hiện tại có 15 khoa và 5 phòng tham mưu, 2 PKKV, có tổng cộng 367 nhân viên trong đó có 55 BS.

Bệnh viện có tổ chức Công đoàn vững mạnh với 300 đoàn viên, nhiều năm liền được Bằng khen của Liên đoàn Lao động Tỉnh và của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đã cùng với Chính quyền đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho toàn thể CBVC và người lao động của Bệnh viện

Có tổ chức Đoàn cơ sở với hơn 150 đoàn viên, gồm 3 chi đoàn trực thuộc.Trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy bệnh viện, tổ chức Đoàn TNCS bệnh viện đã lớn mạnh mọi mặt, các phong trào văn thể mỹ, các hoạt động khám bệnh từ thiện cho nhân dân nghèo cả 2 huyện luôn được thực hiện.Đã đóng góp khá nhiều cho việc phát triển và xây dựng thương hiệu bệnh viện

Lời kết
Với sự đoàn kết thống nhất lãnh đạo trong Đảng ủy, Ban giám đốc, toàn thể viên chức của các khoa, phòng trong bệnh viện đã phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân hai huyện Tân Phú, Định Quán và các huyện lân cận của Tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Có được bệnh viện lớn mạnh như hôm nay, chúng ta luôn ghi ơn tất cả các bậc tiền bối, quý cán bộ và viên chức y tế lão thành qua nhiều thế hệ đã đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng Ngành Y tế Huyện nhà nói chung và bệnh viện nói riêng được phát triển liên tục.Chúng tôi thế hệ tiếp theo cố gắng phát triển và xây dựng Bệnh viện ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển toàn diện hơn, thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên môn cao hơn, là địa chỉ tin cậy của nhân dân trong vùng./.

 01/01/2015 - Ban biên tập Bệnh viện ĐKKV Đinh Quán


Liên kết

Thống kê truy cập

Trực tuyến 5
Hôm nay 301
Hôm qua 1383
Cao nhất (29.03.2024) 6648
Tổng cộng 1,233,337