Hotline: 0967 81 17 17 | 0613 851 532
 
Time 15.07.2015 08:05 | View 20,503

1.Quy định chung

Mọi nhân viên y tế, học viên y, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện ĐKKV Định Quán  cần tuân thủ đúng chỉ định, kỹ thuật vệ sinh tay (VST) nhằm làm giảm nguy cơ lây truyền nhiễm khuẩn bệnh viện và các vi sinh vật kháng thuốc sang bệnh nhân, người thăm bệnh nhân, nhân viên y tế và ra ngoài cộng đồng.

2.Phạm vi áp dụng

Mọi người trong bệnh viện (nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, học viên).

3.Quy định cụ thể

3.1. Phương tiện VST

3.1.1. Tiêu chuẩn phương tiện VST

3.1.1.1. Dung dịch VST

- Dung dịch xà phòng khử khuẩn chứa chlorhexidine 4% đựng trong bình kín, có bơm định lượng, còn hạn sử dụng.

- Dung dịch cồn ethanol (hoặc kết hợp với isopropyl và chlorhexidine 0,5%) có chất dưỡng da, đựng trong bình kín, có bơm định lượng, có nhãn, còn hạn sử dụng.

- Dung dịch xà phòng trung tính được lưu giữ trong bình kín, có bơm định lượng, có nhãn, còn hạn sử dụng.

3.1.1.2. Bồn rửa tay

- Bồn rửa tay ngoại khoa: Có cần gạt tự động hoặc đạp chân; không có vết bẩn nhìn/sờ thấy được, quanh bồn không để phương tiện, đồ vật khác. Bình cấp hoá chất rửa tay sạch, không cáu bẩn và hoạt động tốt.

- Bồn rửa tay thường quy: Có cần gạt tay hoặc khoá vòi hoạt động tốt, không có vết bẩn nhìn/sờ thấy được, quanh bồn không để phương tiện, đồ vật khác; bình cấp hoá chất rửa tay sạch, không cáu bẩn và hoạt động tốt.

3.1.1.3. Nước rửa tay

- Nước rửa tay ngoại khoa: Nước máy được khử khuẩn bằng tia cực tím hoặc được lọc qua màng siêu lọc.

- Nước rửa tay thường quy: Nước máy được cấp qua vòi có khoá hoạt động tốt.

3.1.1.4. Khăn lau tay

- Khăn cho rửa tay ngoại khoa: Khăn sợi bông được hấp tiệt khuẩn, để trong hộp hấp hoặc túi vải sử dụng cho mỗi ca phẫu thuật.

- Khăn cho rửa tay thường quy: Khăn sạch bằng sợi bông hoặc khăn giấy sử dụng một lần. Nếu là khăn sợi bông thì cần được giặt khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng, được đựng trong thùng cấp khăn tại mỗi điểm rửa tay.

3.1.1.5. Bàn chải đánh tay ngoại khoa:

Là loại bàn chải sử dụng nhiều lần, được hấp tiệt khuẩn sau mỗi lần sử dụng, lông bàn chải mềm, không gây chầy xước da khi đánh tay.

3.1.2. Trang bị phương tiện VST

3.1.2.1. VST ngoại khoa

- Khu vực được trang bị: Khu phẫu thuật

- Loại phương tiện cho mỗi điểm VST ngoại khoa bằng xà phòng khử khuẩn: (1) Bồn và nước rửa tay theo tiêu chuẩn; (2) Dung dịch xà phòng khử khuẩn; (3) Khăn lau tay tiệt khuẩn; (4) Bàn chải đánh tay tiệt khuẩn.

- Ngoài các phương tiện trên, để tiện khử khuẩn tay mỗi khi cần, trong mỗi buồng phẫu thuật, thủ thuật được gắn 1 bình sát khuẩn tay nhanh.

3.1.2.2. VST thường quy

- Khu vực được trang bị: Buồng thủ thuật, buồng bệnh, buồng hành chính, buồng vệ sinh nhân viên, khu nhà ăn và các xe tiêm, xe thủ thuật.

- Loại phương tiện VST: Dung dịch xà phòng trung tính và dung dịch cồn ethanol (kết hợp với isopropyl và chlorhexidine 0,5%), khăn lau tay sạch.

- Yêu cầu: Mỗi đơn nguyên lâm sàng đảm bảo tối thiểu 2 điểm rửa tay đạt chuẩn, mọi xe tiêm xe thủ thuật và mọi buồng bệnh được gắn bình sát khuẩn tay nhanh.

3.2. Chỉ định VST

3.2.1. VST ngoại khoa

- Mọi thành viên kíp phẫu thuật (gồm phẫu thuật viên, phụ mổ và nhân viên gây mê tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân) cần VST ngoại khoa trước khi vào buồng phẫu thuật.

Trong suốt cuộc phẫu thuật, bất kỳ khi nào tay chạm phải bề mặt, thiết bị phương tiện được cho là ô nhiễm thì cần khử khuẩn lại tay ngay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3.2.2. VST thường quy

Mọi người khi trực tiếp chăm sóc người bệnh cần rửa tay hoặc khử khuẩn tay bằng cồn vào những thời điểm sau:

- Trước và sau mọi tiếp xúc trực tiếp với mỗi người bệnh.

- Trước và sau khi thực hiện mỗi thủ thuật xâm lấn.

- Trước khi vào và ra khỏi buồng bệnh.

- Trước khi đi găng và sau khi tháo găng.

- Ngay sau mỗi khi tiếp xúc với dịch cơ thể.

- Sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh.

3.3. Kỹ thuật VST

3.3.1. Kỹ thuật VST thường quy

- VST theo quy trình 6 bước (Quy trình VST). Lưu ý chà sát kỹ các đầu ngón tay, kẽ móng tay, kẽ ngón tay, mu bàn tay, ngón cái và gan bàn tay.

- Khi thực hiện VST thường quy cần chú ý:

+ Nhất thiết phải rửa tay bằng nước và xà phòng khi tay dây bẩn, dính máu/dịch cơ thể.

+ Khử khuẩn tay bằng dung dịch cồn khi tay không trông rõ vết cáu bẩn.

+ Lấy đủ lượng hoá chất VST: 3 - 5 ml xà phòng trung tính (1 lần bơm) hoặc 3-5 ml dung dịch cồn khử khuẩn (2 lần bơm).

+ Đảm bảo thời gian chà tay (thời gian hoá chất tiếp xúc với da tay) tối thiểu 30 giây.

+ Nếu rửa tay bằng xà phòng và nước: Sau rửa tay cần lau khô toàn bộ bàn tay bằng khăn sạch và khóa vòi nước bằng khăn vừa sử dụng, tránh làm ô nhiễm lại bàn tay.

+ Không rửa lại tay bằng nước sau khi đã sát khuẩn tay nhanh.

3.3.2. Kỹ thuật VST ngoại khoa

Áp dụng  quy trình: Rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn

- Khi thực hiện VST ngoại khoa cần chú ý:

+ Không để móng tay dài, không mang đồ trang sức trên tay khi VST ngoại khoa.

+ Chà toàn bộ tay theo trình tự từ bàn tay lên tới cổ tay, cẳng tay, khuỷu tay.

+ Thời gian chà tay với hoá chất khử khuẩn tối thiểu 3 phút.

+ Chỉ sử dụng bàn chải tiệt khuẩn để đánh các kẽ móng tay, không đánh lên da mu tay và cẳng tay.

+ Trong thời gian chà tay, luôn giữ bàn tay theo hướng lên trên để nước chảy từ bàn tay xuống khuỷu tay.

+ Lau khô toàn bộ bàn tay, cẳng tay bằng khăn vô khuẩn. Không sử dụng máy sấy tay để làm khô tay.

3.4. Sử dụng găng tay liên quan tới VST

Sử dụng găng tay không đúng chỉ định sẽ làm giảm tuân thủ VST, mất an toàn cho nhân viên y tế và làm tăng lan truyền nhiễm khuẩn bệnh viện.

Khi chăm sóc người bệnh thông thường (không mắc bệnh nhiễm trùng hoặc không đang trong tình trạng cách ly), nhân viên y tế không được mang găng tay trong một số thực hành sau:

- Khám bệnh.

- Cho ăn.

- Lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp.

- Thay đồ vải cho người bệnh (trừ khi đồ vải có dính máu, dịch cơ thể và chất thải).

- Tiêm bắp, tiêm trong da, dưới da.

- Viết hồ sơ bệnh án, viết và cầm giấy xét nghiệm, đánh máy tính, nghe điện thoại, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân.

- Đi từ buồng bệnh này sang buồng bệnh khác, từ khoa này sang khoa khác.

- Thành viên kíp phẫu thuật không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh trong phòng mổ (phụ mê, chạy ngoài) không được mang găng tay (trừ khi có thực hành phải tiếp xúc với máu/dịch cơ thể).

- Không sử dụng một đôi găng tay để chăm sóc cho nhiều bệnh nhân.

* Những thực hành dưới đây bắt buộc phải mang găng:

- Khi thực hiện thủ thuật xâm nhập và các quy trình vô khuẩn: phẫu thuật, đỡ đẻ, thay băng, cắt chỉ, chọc dò các khoang cơ thể, v.v. Những trường hợp này phải mang găng vô khuẩn.

- Khi thực hiện quy trình chăm sóc có nguy cơ bàn tay tiếp xúc với máu, dịch cơ thể: Truyền dịch, lấy máu, tiêm tĩnh mạch, hút đờm, đặt ống thông tiểu, thu gom xử lý chất thải, đồ vải, dụng cụ y tế ô nhiễm, v.v. Những trường hợp này có thể mang găng sạch hoặc găng hộ lý.

- Khi vào buồng cách ly.

3.5. Tập huấn, đào tạo và truyền thông về VST

- Hàng năm mọi nhân viên y tế cần được cần được hướng dẫn, đào tạo về thực hành VST, gồm tầm quan trọng của VST, chỉ định, kỹ thuật VST và sử dụng găng.

- Học viên, người nhà người bệnh cần được hướng dẫn chỉ định và kỹ thuật VST.

- Tờ quy trình, chỉ định VST được treo ở các điểm VST và khu vực hành chính của mỗi trung tâm, viện, khoa, phòng.

- Hàng năm, bệnh viện tổ chức tháng hành động về tăng cường VST trong toàn bệnh viện.

3.6. Kiểm tra, giám sát về thực hành VST

Bệnh viện (khoa Kiểm soát  nhiễm khuẩn) bố trí 1 điều dưỡng viên chuyên trách công tác kiểm tra về VST.

- Hàng năm, bệnh viện tổ chức ít nhất 4 buổi để mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn kiểm tra về thực hành VST trong toàn bệnh viện .

- Những nội dung kiểm tra được tổng kết báo cáo bằng văn bản tới Ban giám đốc và toàn bệnh viện.

4.Tổ chức thực hiện

4.1.Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

- Lập kế hoạch và phối hợp với phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Điều dưỡng  tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui định VST.

- Hướng dẫn và duy trì hoạt động đào tạo, tập huấn và kiểm tra VST của mạng lưới Kiểm soát  nhiễm khuẩn.

4.2. Phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Điều dưỡng: Phối hợp khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui định VST.

4.3. Lãnh đạo các Khoa  trong bệnh viện: Tổ chức phổ biến quy định VST, đề xuất trang bị phương tiện và đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra giám sát nhân viên y tế thực hiện đúng quy định VST.

 

                                                                                                                                                                            GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐKKV ĐỊNH QUÁN

 

Liên kết

Thống kê truy cập

Trực tuyến 6
Hôm nay 22
Hôm qua 795
Cao nhất (29.03.2024) 6648
Tổng cộng 1,141,058